Duong Nguyen Tháng mười một 22, 2018 316

Từ sự kiện An Nguy – Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn: Quản lý khủng hoảng thế nào với influencer?

Tuần này, An Nguy vừa vượt lên đầu bảng xếp hạng engagement của tuần ngang với Sơn Tùng M-TP. Sự vươn lên này xuất phát từ chuỗi drama gây xôn xao bậc nhất của cô với hai diễn viên Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn.

Con dao 2 lưỡi của làn sóng influencer

Nhìn lại vài năm trước, An Nguy là nhân vật tiêu tiểu cho làn sóng influencer nổi tiếng trên mạng xã hội lấn sân sang ngành giải trí để tìm một danh xưng chính thức cho mình. Và cô đã thành diễn viên An Nguy với 2 bộ phim điện ảnh. Hàng triệu người theo dõi trên MXH từng là lợi thế của những influencer như An Nguy khi bước chân vào showbiz, được nhà sản xuất phim chào đón, show truyền hình ưu ái, nhãn hàng mời gọi hợp đồng quảng cáo.

Lợi thế từng giúp những KOL một bước lên mây dần lộ ra là một con dao 2 lưỡi.

Trong thời đại truyền thông cá nhân lên ngôi, có được lượng lớn người theo dõi thực sự là một dạng quyền lực. Tuy nhiên, sở hữu quyền lực mà không có năng lực quản trị quyền lực, KOL sẽ dễ rơi vào cảnh danh tiếng “đốn củi ba năm thiêu một giờ”.

Nếu sáng bạn ngủ dậy, bạn có hàng triệu người theo dõi, hàng ngàn lượt like cho một status vu vơ, bạn không thể tuỳ tiện trao đổi, phát ngôn như là bạn của ngày hôm qua. Càng nhiều người theo dõi, sức ảnh hưởng càng rộng, KOL lại bị ràng buộc bởi danh tiếng. Sự việc của 3 nhân vật An Nguy, Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn sẽ thôi thúc nhiều KOL khác tìm kiếm ekip truyền thông để bảo vệ thương hiệu cá nhân ngày càng có giá trị của mình.

Mặt khác, con dao 2 lưỡi cũng áp dụng lên chính các đối tác của KOL. Những người từng trước đây muốn tận dụng sức mạnh MXH của influencer giờ có thể muốn suy nghĩ kỹ hơn. Họ có thể nhận ra sự khó kiểm soát của influencer marketing, nhận ra một que diêm sơ sẩy có thể thổi bùng lên ngọn lửa đốt cháy cả dự án bạc tỷ.

Từ góc độ của nhà sản xuất phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” và “Mẹ Tuệ”, có thể thấy dự án kinh doanh bị ảnh hưởng thế nào khi không kiểm soát chặt các influencer liên quan.

Kiểm soát thế nào trong thời đại influencer?

Từ sự cố của 2 phim trên, bộ phận truyền thông của các phim điện ảnh khác sẽ phải kiểm soát truyền thông chặt chẽ hơn với các diễn viên tham gia trong phim. Hợp đồng giữa các bên cần ràng buộc chặt chẽ về “ứng xử trên truyền thông”. Nhà sản xuất có thể yêu cầu diễn diễn không được truyền thông riêng lẻ cho vai diễn của mình, và tất cả hoạt động truyền thông cho phim đều phải được đưa về một mối với kiểm soát chặt chẽ.

Không riêng gì nhà sản xuất phim mà các nhãn hàng cũng quản lý chặt chẽ hơn những influencer liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Cần nhớ là một nhân viên công ty sử dụng mạng xã hội cũng chính là một influencer cho chính công ty. Những ràng buộc cho các phát ngôn trên truyền thông có thể không những được áp dụng cho các influencer mà nhãn hàng ký hợp đồng mà còn cho cả các nhân viên trong công ty. Nếu công ty, thương hiệu có lãnh đạo là các doanh nhân nổi bật trên MXH có lẽ những doanh nhân này cũng cần xác lập các ràng buộc phát ngôn.

Trước đây, việc quản lý khủng hoảng truyền thông chỉ nằm trong các kênh truyền thông đại chúng, báo đài, các đại diện thương hiệu. Trong thời đại truyền thông cá nhân, nhà quản lý truyền thông phải lưu tâm đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn influencer có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Ai trong số đó cũng là một que diêm tiềm tàng.