Báo cáo năm 2019 của 7SAT cho biết có đến 90% khách hàng tin vào lời giới thiệu của Influencer và 33% trong số đó tin tưởng quảng cáo từ nhãn hàng đều là thật. Nhưng năm 2021 liệu có là một câu chuyện khác khi đang có quá nhiều lùm xùm xoay quanh việc Influencer quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
1. Influencer thiếu trách nhiệm khi quảng cáo sản phẩm
Mới đây, mạng xã hội đã được phen dậy sóng khi loạt người nổi tiếng như Ngọc Trinh, Khả Như, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm… quảng cáo cho tiền ảo Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token…
Dù các bài quảng cáo bị xóa ngay sau vài giờ nhưng các Influencer này cũng kịp nhận về không ít chỉ trích của cộng đồng mạng.
Nhiều câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của các ngôi sao này khi quảng cáo cho tiền điện tử khiến những khán giả cả tin, làm theo quảng cáo có thể gặp thiệt hại tài chính.
Là nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất lên tiếng xin lỗi vì sự cố quảng cáo tiền ảo này, nghệ sĩ hài Nam Thư cho biết người đăng quảng cáo là quản lý của cô. Nam Thư nhận sai hoàn toàn và xin lỗi, mong khán giả thông cảm vì người quản lý của mình không hiểu quảng cáo tiền ảo là hành động vi phạm pháp luật nên mới nhận lời. Ngoài Nam Thư, các nghệ sĩ khác chỉ nhanh tay xóa post quảng cáo chứ không hề đưa ra bất kỳ bình luận, giải thích nào.
2. Influencer quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng
Đây không phải là lần đầu tiên các Influencer Việt vướng phải lùm xùm vì quảng cáo các sản phẩm có vấn đề. Hoa hậu Kỳ Duyên, ca sĩ Đức Phúc từng bị tố quảng cáo mỹ phẩm nhái theo bao bì của Innisfree.
Ốc Thanh Vân, Lã Thanh Huyền, Huyền My cũng từng bị chỉ trích vì quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Để tránh những sự cố như trên gây hại cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng uy tín cá nhân thì Influencer và ekip cần tìm hiểu rõ chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm trước khi có giao kèo hay ký kết hợp đồng quảng cáo.
3. Công chúng nên xem xét các thông tin sản phẩm
Bên cạnh đó, phải chăng công chúng cũng cần xây dựng cho mình cơ chế tự bảo vệ trước lượng thông tin khổng lồ từ các Influencer. Xem quảng cáo là 1 chuyện nhưng khi muốn mua một sản phẩm do Influencer giới thiệu, người dùng cần cân nhắc uy tín và đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm trong mảng đó của Influencer có đủ để tin cậy không. Ngoài ra, hiệu quả của một số sản phẩm có thể thay đổi thậm chí có khả năng phát sinh biến chừng tùy theo cơ địa, đặc điểm từng người dùng vậy nên double check thông tin, tham khảo ý kiến những người từng sử dụng trước khi quyết định mua hàng không bao giờ là thừa. Đặc biệt, trước khi quyết định sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, người dùng cần tham vấn ý kiến của bác sĩ/dược sĩ, bác sĩ da liễu kỹ càng, hạn chế tối đa tình trạng “tiền mất tật mang”.
Còn một cách nữa để khách hàng bảo vệ quyền lợi của mình ở vị trí công chúng đó chính là không ngại lên tiếng khi gặp những nghệ sĩ quảng cáo sai, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Mạng xã hội có sức lan tỏa rất lớn, bạn có thể có trải nghiệm không may khi tin nhầm Influencer, mua trúng hàng kém chất lượng, nhưng tiếng nói của bạn sẽ giúp người khác tránh được thiệt hại tương tự. Điều này cũng là 1 trong những cách để khán giả có thể góp phần làm trong sạch thị trường quảng cáo bằng Influencer, giúp nghệ sĩ ý thức hơn về vai trò trách nhiệm của họ trước khi chốt bất kỳ 1 hợp đồng quảng cáo sản phẩm nào