Duong Nguyen Tháng Năm 14, 2021 819

Thị trường MV Việt Nam: Âm nhạc hay TVC quảng cáo?

Trong thời điểm các hình thức quảng cáo truyền thống không còn tạo sức hút lớn với người xem, nhiều nhãn hàng đã chọn “hướng rẽ” mới:  mời các ca sĩ nổi tiếng đóng TVC quảng cáo hoặc gián tiếp quảng cáo bằng cách lồng ghép sản phẩm trong MV của ca sĩ. 

Quảng cáo bằng MV ca nhạc có hiệu quả?

Điểm lại các MV hot thời gian qua, dễ dàng nhận thấy đa số các MV đều lồng ghép quảng cáo, từ “lấp ló” cho đến lộ liễu. Điển hình là Đen Vâu và JustaTee quảng cáo cho hãng xe Honda trong MV Đi về nhà, Sơn Tùng MTP quảng cáo các sản phẩm điện thoại, giày, ô tô trong MV Chúng ta của hiện tại. Mới đây nhất, hai cô nàng Hiền Hồ và Thiều Bảo Trâm vừa tung MV có tên Trải trái trải phải khiến người đọc “líu lưỡi”. Những tưởng đây sẽ là sản phẩm âm nhạc đột phá khi Hiền Hồ và Thiều Bảo Trâm “song kiếm hợp bích” những hóa ra đây là MV quảng cáo cho thẻ tín dụng VIB. 

MV Trải trái trải phải của Thiều Bảo Trâm và Hiền Hồ quảng cáo thẻ tín dụng VIB

Có ý kiến đồng tình cũng có ý kiến phản đối việc thương mại hóa MV ca nhạc, nhưng không thể phủ nhận việc quảng cáo trong MV ca nhạc đang thực sự hiệu quả, đem lại tác động lớn, giúp nhãn hàng lan tỏa được hình ảnh sản phẩm và tăng doanh số bán hàng. MV Trải trái trải phải của Hiền Hồ và Thiều Bảo Trâm dù bị nhiều khán giả “chê” nhưng đã thu về hơn 1,2 triệu lượt xem chỉ sau 1 ngày ra mắt. Một case kinh điển trước đó cho thấy thành công khi lồng ghép sản phẩm vào MV ca nhạc chính là sự kết hợp giữa Biti’s Hunter với hai ca sĩ: Sơn Tùng MTP và Soobin Hoàng Sơn. Màn xuất hiện chớp nhoáng của đôi Biti’s Hunter trong MV Lạc Trôi và Đi để trở về đã giúp doanh số của Biti’s Hunter tăng gấp 3 lần, giày bán hết sạch trong 1 tuần.

Thị trường MV Việt Nam: Âm nhạc hay TVC quảng cáo?-Sơn Từng

Âm nhạc với sức mạnh tự thân là khả năng tác động đến cảm xúc và ký ức của người nghe đã giúp hình ảnh của nhãn hàng khắc sâu hơn vào tiềm thức khán giả. Âm nhạc và các ca sĩ thần tượng  cũng giúp “làm mềm hóa quảng cáo”.

Vấn đề lớn nhất của quảng cáo, đó chính là quảng cáo. Bạn sẽ làm gì khi đang xem một chương trình yêu thích thì phải tạm dừng vì quảng cáo? Chắc rằng nhiều người sẽ ngay lập tức chuyển kênh để khỏi phải xem quảng cáo.

Nhưng còn một MV ca nhạc với giai điệu trẻ trung, hình ảnh bắt mắt, câu chuyện hấp dẫn xen với vài hình ảnh quảng cáo khéo léo thì sao? Chắc sẽ không có nhiều người phiền lòng như khi xem quảng cáo truyền thống rồi. 

 

Quảng cáo trong MV ca nhạc sẽ càng hiệu quả nếu lượng fan hùng hậu của ca sĩ chính là đối tượng khách hàng mà nhãn hàng nhắm đến. Các fan sẽ sẵn sàng cày view cho thần tượng, chia sẻ MV, nội dung MV vô thức tác động đến hành vi tiêu dùng của fan hâm mộ.

Nếu nội dung MV thú vị, có tình huống bất ngờ hoặc câu nói hài hước thì khả năng MV tạo trend là rất lớn và khả năng nhãn hàng được nhiều người biết tới sẽ càng nhiều hơn.

Tìm điểm cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật

Các MV ra mắt gần đây, hầu như MV nào cũng cài cắm quảng cáo. Nếu như vài năm trước các MV chỉ quảng cáo “nhẹ nhàng” thì nay nhiều MV ca nhạc không ngại quảng cáo lộ liễu. Thậm chí có nhiều TVC mang mác MV ca nhạc, thông điệp nhãn hàng muốn truyền tải được viết ra trước, bài hát, nội dung MV được đặt hàng viết sau để truyền tải tốt nhất thông điệp nhãn hàng mong muốn. Chuyện ca sĩ ra MV là sản phẩm âm nhạc đơn thuần trở dần trở nên hiếm có. Liệu khán giả có “bội thực” khi MV ca nhạc thời nay không khác gì TVC? 

Một số khán giả khó tính có thể nói rằng quảng cáo trong MV là hành động “xem thường khán giả”, “thương mại hóa nghệ thuật”. Nhưng trước khi kết luận nặng nề đến thế, hãy cũng xem cách các ca sĩ ngày xưa ra MV như thế nào. Ca sĩ ngày trước sẽ chạy show cật lực để kiếm tiền, gom góp chi phí ra MV nhằm giữ độ nóng tên tuổi. Ca sĩ sẽ phải cân đong đo đếm giữa MV mình muốn làm và MV mình có đủ tiền làm. Thậm chí, để đầu tư MV chất lượng, nhiều ca sĩ phải bán nhà, bán xe dù biết chắc làm MV sẽ lỗ. Chỉ có những khán giả ngây thơ mới tin rằng nghệ sĩ sẽ thăng hoa, sáng tạo tốt hơn trong lúc phải chật vật lo bài toán kinh tế.

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng việc hợp tác với các nhãn hàng khi ra MV giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính, có khả năng đầu tư hình ảnh MV hoành tráng, chỉn chu hơn. Trong một bài phỏng vấn, Nhạc sĩ Tiên Cookie từng nói rằng dưới cương vị nhà sản xuất, cô từng sản xuất hàng loạt MV không có quảng cáo nhưng đến năm 2017 thì cô thấy kiệt sức, không thể cố theo cách đó nữa. Mỗi MV đều tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, nghệ sĩ phải tự bỏ chi phí để làm mà hầu như không thu lại được gì. Việc áp đặt suy nghĩ nghệ sĩ “coi thường khán giả” chỉ vì lồng quảng cáo vào MV là không công bằng. Tiên Cookie cho rằng quảng cáo trong MV không có vấn đề gì miễn sao quảng cáo tinh tế, không quá lố là được.

Thị trường MV Việt Nam: Âm nhạc hay TVC quảng cáo? Đen Vâu, StrongBow

Mang câu hỏi “MV ca nhạc có nên chèn quảng cáo hay không?” đi hỏi một số bạn trẻ ngẫu nhiên, câu trả lời chúng tôi nhận được khá giống nhau: “Quan trọng không phải là quảng cáo hay không, mà là quảng cáo như thế nào, khéo léo hay phản cảm.

Hoàng Nam (TP.HCM) cho biết: “Em nghĩ ca sĩ nào cũng cần tiền để sống mà, nói như Đen Vâu thì “Bài hát này đã có quảng cáo. Không có tiền thì làm nhạc làm sao?

Em sẽ vẫn ủng hộ  thần tượng của mình, miễn sao quảng cáo chỉ là món phụ, đừng trở thành món chính trong MV là được”. Để làm được điều này, ca sĩ và nhãn hàng phải tìm được tiếng nói chung, nhãn hàng không nên can thiệp quá sâu và xuất hiện dày đặc trong MV, bởi ranh giới giữa tinh tế và phản cảm rất mong manh.

Tìm được điểm cân bằng giữa thương mại và nghệ thuật chính là chìa khóa để vẹn cả đôi đường, đảm bảo lợi ích cho ca sĩ, nhãn hàng và cả người xem MV.