Ly Nguyen Tháng hai 19, 2018 348

Chúng ta nghĩ gì về nhau? Brand, Agency và Influencer

Ai cũng biết mạng xã hội mang lại quyền lực cho influencer: Họ có kênh truyền thông riêng và gây ảnh hưởng đến một bộ phận công chúng không nhỏ. Khi đó, nhãn hàng tìm đến influencer là kết quả tất yếu. Vậy câu chuyện Brand-Agency-Influencer sẽ được nhìn nhận như thế nào từ mọi góc độ?

Thời gian qua, lĩnh vực influencer marketing ở Việt Nam phát triển nhanh chóng cùng với lượng ngân sách ngày càng khủng dành do influencers. Tuy nhiên, influencer ở Việt Nam chưa xây dựng uy tín và khả năng ảnh hưởng tốt đến mức có thể tác động đến hành vi mua hàng của khách hàng mục tiêu. Hầu hết tất cả chỉ dừng lại ở việc phổ biến hình ảnh của sản phẩm tới cộng đồng tiềm năng của mình.

Vì những post quảng cáo thô thiển, gượng ép tràn lan trên social media khiến cộng đồng nhìn nhận rằng việc quảng cáo trên trang cá nhân là điều gì đó không tốt. Vì vậy, influencer nhận tiền từ nhãn hàng, post một dòng trạng thái về sản phẩm không quá gượng ép và… hết nhiệm vụ.

Rất ít influencer có ý thức về vai trò đại diện cho thương hiệu của mình. Họ chưa cố gắng để trở thành một influencer chuyên nghiệp: là nguồn thông tin đáng tin cậy cho cộng đồng về sản phẩm, lan toả thông điệp của chiến dịch-những điều đòi hỏi ở influencer một bản lĩnh vững vàng và cái tâm nghề nghiệp để chọn lựa làm đại diện cho những sản phẩm thực sự chất lượng.

Thực tế, việc được nhãn hàng lựa chọn là influencer cho sản phẩm là một ghi nhận sức ảnh hưởng của họ đến một nhóm cộng đồng nhất định. Ai đó trả tiền cho tiếng nói của bạn! Hấp dẫn đó chứ?

Tuy nhiên, cũng khó để đòi hỏi quá cao ở influencer trong khi quy trình làm việc với influencer còn chưa chuyên nghiệp ở cả phía agency lẫn Brand. Hiện tượng “nhét chữ vào mồm influencer” rất phổ biến. Vì tôi trả tiền cho bạn nên bạn nhất định phải viết đủ về quy trình sản xuất một chiếc xe, giải thưởng đạt được của dịch vụ tư vấn du học, về vị ngon ngọt của hạt nêm hay tính năng “thần thánh” chiếc điện thoại trong… một status facebook. Vậy nên đừng hỏi vì sao influencer chỉ post cho có như trả bài rồi thôi. Rất ít nhãn hàng thực sự nghiêm túc xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài với influencer, chưa nói đến truyền tải cảm hứng và niềm tin về nhãn hàng để họ lan toả cho cộng đồng. Mối quan hệ giữa nhãn hàng và influencer chưa thực sự tồn tại một câu chuyện bên trong.

Agency luôn chịu sức ép lớn từ nhãn hàng về con số KPIs, đặc biệt là khi những chiến dịch không có sức viral, content như trả bài thuộc lòng nhưng lại đòi hỏi con số KPIs trên trời. Nhãn hàng hoàn toàn không có lỗi trong câu chuyện hôn nhân không hạnh phúc này. Client – một phần không nhỏ là người nước ngoài, lạ lẫm về cộng đồng Việt Nam, phần kia là những Brand Manager cũng có hiểu biết rất hạn chế về những influencer đang có ảnh hưởng đến khách hàng tiềm năng của họ. Tất cả những gì client biết về influencer đều thông qua sự giới thiệu của agency, và căn cứ duy nhất để đong đếm hiệu quả của influencer là: KPIs. Như giới agency vẫn nói với nhau là: ”Client bên tui “xôi thịt” lắm bà ơi! Cứ phải KPIs cao cái đã.

Tuy nhiên, cũng như sự ảo của social media thì KPIs đôi khi chỉ là những con số ảo. Đôi khi, vì áp lực KPIs, agency tập thể seeder cùng nhau trình diễn một bữa tiệc social phong phú trước mặt client. Tất nhiên đó cũng chỉ là ảo thôi.

Hiệu quả trên Social Media tuỳ thuộc vào Brand và Agency muốn chiến dịch của họ có sức ảnh hưởng thực sự hay chỉ là những con số đẹp đẽ trong report.

Câu chuyện Brand-Agency-Influencer ở Việt Nam còn nhiều trúc trắc, hạn chế vì tính thiếu chuyên nghiệp từ tất cả các bên. Tuy nhiên, ai cũng có thể mong đợi và đóng góp cho lĩnh vực Influencer Marketing phát triển hơn. Chúng tôi cũng vậy.