Chiến dịch của bạn sở hữu một strategy hoành tráng, report cuối chiến dịch ngập tràn những con số vượt ngoài mong đợi, KPIs vượt xa với những gì bạn đề ra ban đầu. Kết quả đó khiến bạn hài lòng, và bạn gọi đó là một chiến dịch thành công. Tuy nhiên, những lượt like khủng, lượng share bài và comment vô cùng cao có nói lên được rằng chiến dịch đã thành công? Ngoài chỉ số KPI, bạn đã thực sự biết cách đo lường tỉ lệ ROI chưa?
ROI trong Influencer marketing?
ROI (Return On Investment) được hiểu là tỷ lệ lợi nhuận so với chi phí bạn đã bỏ ra. Ngoài KPI, đây là chỉ số quan trọng nhất đối với các nhà quảng cáo để biết được chiến dịch có thành công hay không.
Tùy theo cách thức kết hợp cùng Influencers (post status, post ảnh…) mà cách thức đo lường ROI thu về của Influencers cũng khác nhau. Ví dụ:
- Ai là người chia sẻ nội dung của bạn nhiều nhất? Là người có “phong độ” ổn định nhất trên mạng xã hội.
- Ai là người có khả năng tạo nội dung mới khi share bài viết của brand? Họ share bài một cách thụ động theo những gì brand đưa ra hay chia sẻ theo hướng tạo ảnh hưởng với người xung quanh?
- Ai là người có ảnh hưởng tích cực nhất đến khách hàng mục tiêu của brand? Nên sử dụng những platform có khả năng đo lường, giúp bạn đánh giá những hoạt động dựa vào số liệu thống kê.
Những số liệu này giúp bạn tiết kiệm thời gian trong việc tìm ra top 20% những KOL đã tạo ra 80% hiệu quả tương tác cho brand của mình. Ngoài ra, bất kỳ số liệu nào cũng cần phải được liên kết với mục tiêu marketing đã đề ra từ ban đầu.
Lưu ý khác về ROI để không đánh mất giá trị của Influencer Marketing
Một điều khác cũng quan trọng không kém khi đo lường ROI đó là bạn nên tìm hiểu nội dung nào từ KOLs đang tạo sức ảnh hưởng và được chia sẻ. Chủ đề như thế nào sẽ tạo được độ hot, không nên sử dụng nội dung nào? Mọi người có xu hướng chia sẻ và bàn luận với nhau về nội dung nào? Ví dụ về trường hợp này có thể kể đến chiến dịch Nhà Là Nơi của Fami. Nắm được tâm lý khán giả luôn quan tâm và đề cao giá trị của gia đình, Fami đã đưa ra chiến dịch chia sẻ những khái niệm về “nhà” của KOLs và kêu gọi người theo dõi cùng chia sẻ. Song song đó là việc tung ra viral clip đầy nhân văn giúp chiến dịch của Fami thành công vang dội.
Việc tìm hiểu cảm xúc khi chia sẻ nội dung cũng là điều kiện tiên quyết. Bất kì chiến dịch nào cũng cần đo lường chính xác tại sao người dùng lại chia sẻ nội dung đó, ngoài việc đo lường số lượng và các thông số khác. Nội dung đó khiến người dùng nghĩ gì, điều gì ở nội dung ấy thôi thúc người dùng phải chia sẻ? Nếu phân tích được những điều trên, đó sẽ trở thành những insight bổ ích trong quá trình phân tích tác động của nội dung đến strategy của chiến dịch.
Điều tiếp theo nên lưu ý chính là platform, platform nào được dùng nhiều và hiệu quả nhất? Không phải lúc nào Facebook cũng là sự lựa chọn hiệu quả và đúng đắn. Nếu muốn tiếp cận giới trẻ, Instagram là một platform hợp thời. Hoặc những sự kiện cần truyền hình trực tiếp, Snapchat chính là sự lựa chọn không thể nào thích hợp hơn. Tại châu Á, Twitter chưa phải là platform phổ biến, những không loại trừ khả năng nơi đây sẽ biến thành “mảnh đất màu mỡ” trong tương lai.
Cuối cùng, để đo lường chính xác chỉ số ROI, chúng ta cần một công cụ đo lường có thể đo được tất cả các ảnh hưởng trong doanh số bán hàng dự tính (intent purchase) và con số thực thu về (actual sales). Một thương hiệu hoàn toàn có thể đo lường tác động của các đoạn đối thoại và các lượt chia sẻ đối với doanh số bán hàng dự tính và doanh số bán hàng thực bắt nguồn từ mạng lưới liên kết của các KOLs.
Trên đây là những điều cần lưu ý nhất định về ROI – yếu tố để đo lường sự thành công của một chiến dịch. KPI vượt chỉ tiêu, chiến dịch của bạn chỉ mới thành công một nửa. ROI cao, chiến dịch của bạn đã thành công hoàn toàn!