Ly Nguyen Tháng Mười Hai 20, 2018 120

Kiểm soát hành vi sử dụng mạng xã hội của người có ảnh hưởng

Duy trì hình ảnh mà bạn cố gắng xây dựng trên mạng xã hội là một cuộc chiến mà chỉ cần bạn “lỡ tay” hay “vạ miệng” thì hình ảnh đó sẽ “bay màu” trong tích tắc. Chính vì thế, kiểm soát hành vi sử dụng mạng xã hội được xem là quan trọng đối với influencer/kol.

Còn nhớ vài ngày trước, sau trận bán kết cúp bóng đá AFF 2018, trước những chỉ trích gay gắt đối với cầu thủ Hà Đức Chinh thì mạng xã hội của anh chàng này cũng dậy sóng, phá vỡ hình ảnh cầu thủ “hài hước, gần gũi” mà trước đó Hà Đức Chinh xây dựng. Những lời bình luận mang tính thách thức không phù hợp với người của công chúng từ facebook Đức Chinh lan toả chóng mặt, không chỉ trong giới hâm mộ bóng đá mà đến những người dùng facebook khác.

Những phát ngôn trên bị nghi ngờ không phải xuất phát từ chính cầu thủ này mà từ một người quản lý. Vấn đề ở đây là hiện nay, facebook đang được xem là kênh truyền thông gần như phổ biến nhất của người có ảnh hưởng và người theo dõi sẽ không quan tâm xem ai đứng đằng sau những bình luận đó. Bộ mặt phơi ra thì chẳng cần biết ai là người make-up, người ta chỉ nhìn thấy bộ mặt đó xấu hay đẹp mà thôi.

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng mạng xã hội của một nhóm ngành đặc thù như kĩ sư, bác sĩ, giáo viên, nhà báo. Bởi chính danh xưng nghề nghiệp của họ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của bộ phận người theo dõi họ.

Một trường hợp điển hình gần đây khi bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện đưa lên phát ngôn về một nhãn hàng đồ uống. Những chỉ trích cùng câu từ của vị bác sĩ rất thuyết phục, được chia thành nhiều chương nhiều phần và cả thư phản hồi của nhãn hàng. Nhưng cùng với đó là phản biện từ người dùng và bằng chứng sát thực bảo vệ nhãn hàng. Chúng ta chưa thể nói đúng sai bởi những gì liên quan đến “chuyên môn” hãy để các “chuyên gia” kết luận. Tuy vậy, các chuyên gia như bác sĩ này có nên cân nhắc trước khi sử dụng mạng xã hội để nêu lên ý kiến mang tính công kích, hay nên làm việc với đối tượng bị công kích trước khi đưa ra công luận? Bởi rõ ràng chỉ với phát ngôn mang danh bác sĩ, nhà báo thôi đã ảnh hưởng đến nhận thức của rất nhiều người, và thậm chí là một brand bất đắc dĩ nào đó bị xướng tên.

Nói về việc xây dựng hình ảnh và phát ngôn của người có ảnh hưởng, chúng ta cũng không quên khi nhà văn Vũ Phương Thanh chỉ vô tình đăng bài gắn với sản phẩm Cocoxim và nhãn hàng này đã bị “khủng bố” review ngay sau đó. Nhà văn này dù không là đại sứ và cũng không nhận PR cho sản phẩm này, nhưng những phát ngôn không phù hợp trước đó của cô trên mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhãn hàng mà cô nhắc tên.

Rõ ràng hình ảnh thương hiệu cá nhân là một sản phẩm vô hình nhưng tác động của nó lại là hữu hình. Vậy nên kiểm soát hành vi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt đối với những nhóm đối tượng đặc thù như bác sĩ, nhà báo, chuyên gia dinh dưỡng… lại càng nên được coi trọng. Mọi từ ngữ, câu văn sử dụng nên được kiểm soát, có chứng cứ lập luận chắc chắn, vì phát ngôn từ họ đều có một sức mạnh rất lớn đến nhận thức của người theo dõi họ.